BT Tiến: Bệnh nhân có bảo hiểm bị phân biệt đối xử

Nếu cứ tiếp tục “phân biệt đối xử” với bệnh nhân có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội sẽ không ký hợp đồng, bệnh viện không có bệnh nhân...

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cảnh báo các bệnh viện như vậy tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 1/4.

“Có bệnh viện mua ghế đẹp ngồi như ở sân bay”

Trả lời câu hỏi của ĐBQH về việc cử tri phản ánh chất lượng khám chữa bệnh chưa bảo đảm, có sự phân biệt bảo hiểm y tế với khám chữa bệnh dịch vụ, Bộ trưởng Tiến thừa nhận ở một số nơi có hiện tượng này.

Lý do, bên bảo hiểm y tế rất đông bệnh nhân và mức chi trả theo bảo hiểm quy định thấp. Giá phòng, giá giường thấp, ở bệnh viện tuyến tỉnh chỉ có mười mấy nghìn đồng/ngày. Trong khi đó, bên khám chữa bệnh dịch vụ có cơ sở hạ tầng tốt hơn, khang trang hơn, thậm chí có phòng có máy lạnh.

Bộ trưởng nói rằng, thanh toán bên bảo hiểm có mức nhất định còn bên dịch vụ  theo nhu cầu. Điều này tạo sự khác biệt giữa hai loại hình khám chữa bệnh trên.

Tuy vậy, theo Bộ trưởng, thái độ của cán bộ y tế làm cho nhân dân bức xúc nhất.

“Do vậy, trong tương lai, chúng tôi sẽ yêu cầu thái độ cả 2 nơi như nhau. Nếu không, bảo hiểm xã hội sẽ không ký với các bệnh viện này nữa. Không có bệnh nhân, bệnh nhân tồn tại cũng không để làm gì”, Bộ trưởng Y tế bày tỏ.

Bộ trưởng cho hay, để giảm bớt thủ tục phiền hà, tháng 5/2013, Bộ Y tế đã ra quyết định 1313 hướng dẫn quy trình khám bệnh tại Khoa Khám bệnh của bệnh viện.

Theo đó, cải cách và nâng cấp toàn bộ khoa khám bệnh để phục vụ cho bệnh nhân bảo hiểm như lấy số điện tử, rút từ 9 chữ ký còn 6 chữ ký, từ 12 quy trình còn 6 quy trình, bố trí nhiều bàn khám, tăng thêm ghế ngồi, sắp xếp chỗ xét nghiệm để bệnh nhân không phải đi lại nhiều…

Bộ trưởng cho biết, bà đã đến nhiều địa phương kiểm tra như Lạng Sơn, Yên Bái, Bạc Liêu, Lâm Đồng… ngạc nhiên về sự thay đổi của bệnh viện tỉnh.

Ví dụ như có nơi lấy số điện tử, mua ghế ngồi như ở sân bay, thậm chí có thang máy...

Hình ảnh y bác sỹ méo mó?

BT Tiến: Bệnh nhân có bảo hiểm bị phân biệt đối xử - 1

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Tại buổi chất vấn một số đại biểu chất vấn Bộ trưởng về vấn đề y đức. ĐB Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) nói: “Cử tri băn khoăn y đức chưa chuyển biến tích cực. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, thời gian tới có giải pháp nào coi là trọng tâm, đột phá làm chuyển biến y đức?”.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Tiến cho rằng, đây là vấn đề người dân có bức xúc. Trong thời gian qua, cán bộ ngành y từ cấp bộ đến cấp xã đều nhận thấy “y đức luôn là vấn đề nóng bỏng”.

Từ năm 2001, Bộ trưởng Y tế đã ban hành 12 điều y đức, những năm tiếp theo ban hành quy tắc ứng xử... tuy nhiên, chuyển biến chưa lớn.

Trong thời gian qua Bộ Y tế đã quy tắc ứng xử vào quy định. Bên cạnh đó, Bộ đã thành lập đường dây nóng, ghi lại các cuộc gọi người dân phản ánh về y đức, từ bệnh viện huyện, tỉnh, trung ương.

“Với các quy định khen thưởng, kỷ luật trừ tiền lương, tiền thưởng, thậm chí là buộc thôi việc... chúng tôi hy vọng có tác dụng răn đe tốt”, bà Tiến nói.

Theo Bộ trưởng, các bệnh viện phải xử phạt kiên quyết chứ không thể dung túng những y bác sĩ “có thái độ” với bệnh nhân.

Nữ Bộ trưởng khẳng định: “Các y, bác sĩ phải thay đổi đạo đức nghề nghiệp, thái độ làm việc. Phải làm sao để hình ảnh người thầy thuốc không bị méo mó như thời gian qua”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Duơng Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN