Thưởng tố cáo tham nhũng: “5 tỷ đồng to nhưng không hấp dẫn”

“Bởi nguyện vọng, mục đích của những người tố cáo tham nhũng không phải là phần thưởng ấy”.

Theo dự thảo thông tư liên tịch của Thanh tra Chính phủ - Bộ Nội vụ về quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo tham nhũng, nếu tố cáo giúp thu hồi 1.000 tỷ đồng cho nhà nước thì mức thưởng tối đa 5 tỷ đồng…

Thưởng tố cáo tham nhũng: “5 tỷ đồng to nhưng không hấp dẫn” - 1

Ông Vũ Quốc Hùng – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng

Ông Vũ Quốc Hùng – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng có cuộc trao  đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này.

Ông nghĩ sao về mức thưởng 5 tỷ đồng?

Tôi hơi ngạc nhiên về mức thưởng đó bởi lâu nay chưa có việc gì có thể đạt được hiệu quả rõ rệt để mà tính toán con số tiền thưởng cụ thể như thế. Chưa kể 5 tỷ đồng là khối tiền to, nhưng không mang tính hấp dẫn bởi nguyện vọng, mục đích của những người tố cáo tham nhũng không phải là phần thưởng ấy.

Từ trước tới nay tôi chưa thấy người ta tính toán chính xác, rõ ràng được kết quả, hiệu quả kinh tế của một cuộc chống tham nhũng. Vậy thì cơ sở để đưa ra con số tiền thưởng 5 tỷ đồng ở đâu? Tôi tò mò về các bản giải thích, giải trình về căn cứ để đưa ra mức thưởng đó.

Tôi không thể hiểu nổi tại sao người ta đưa ra con số đó và nghi ngờ tính khả thi của nó trong thực tiễn.

Theo một thành viên Tổ biên tập dự thảo, đây là hình thức khuyến khích rất tích cực mà một số nước trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc… đã áp dụng và việc quy định mức động viên, khuyến khích bằng vật chất là phù hợp với quy định của Luật Thi đua khen thưởng và quy định về chế độ khen thưởng người tố cáo nói chung. Ông có nghĩ vậy không? Vì sao?

Cá nhân tôi cho rằng không nên bắt chước họ như vậy. Đó chỉ là cách chúng ta có thể tham khảo chứ nếu áp dụng ở Việt Nam vào thời điểm này, tính thực tế xa vời lắm.

Vì sao nước ngoài có thể đưa ra con số cụ thể từ các vụ tham nhũng, còn tại Việt Nam, lâu nay hiệu quả thực sự của việc chống tham nhũng đến đâu vẫn là ẩn số?

Vì chúng ta chưa làm một cách nghiêm túc. Ngay từ phía Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cũng thừa nhận kết quả còn nhiều hạn chế nên trong việc thống kê chưa được thực hiện một cách  khoa học.

Vậy theo ông, Dự thảo liên bộ của Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ về khen thưởng cá nhân tố cáo tham nhũng cần tập trung vào điều gì?

Chắc chắn đó là những biện pháp để bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Khi người ta phát hiện ra các dấu hiệu sai phạm, phải xem xét thông tin một cách nghiêm túc. Đồng thời phải giữ bí mật các thông tin liên quan tới người tố cáo.

Ngoài ra, phải xử thật nặng những kẻ tham nhũng. Về lâu dài, phải nghĩ ra cách tuyển chọn cán bộ, đặc biệt những người giữ vị trí then chốt, đứng đầu các cơ quan thì mới cơ bản diệt tận gốc được nạn tham nhũng.

Thưởng tố cáo tham nhũng: “5 tỷ đồng to nhưng không hấp dẫn” - 2

Việt Nam học được gì từ kinh nghiệm phòng chống tham nhũng của các nước trên thế giới thưa ông?

Trước tiên phải kiên quyết chống tham nhũng và phải luật hóa tất cả các hoạt động chống tham nhũng ở nước ta. Ngoài ra, công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát phải làm rất chặt chẽ. Những người ở cơ quan chống tham nhũng phải tuyệt đối trong sạch, kiên quyết, có nghiệp vụ cao. Nói cách khác, họ phải giỏi về nghiệp vụ và không tham nhũng.

Gần đây, nhiều ý kiến cho rằng một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức thường có thái độ hống hách với dân. Đó có phải là biểu hiện của sự nhũng nhiễu, tham nhũng không?

Những người luôn giải quyết việc cho dân mà yêu cầu, đòi hỏi về vật chất, cụ thể là phong bì chính là một kiểu tham nhũng, chúng ta hay gọi là tham nhũng vặt.

Đôi khi người ta nhũng nhiễu với dân do bị ăn mòn tư tưởng quan liêu, khinh thường dân, còn lại các trường hợp khác là do họ muốn moi tiền của dân. Như thế chính là tham nhũng.

Chúng ta phải kiên quyết loại bỏ những loại cán bộ, công chức khinh dân, xa dân, moi tiền của dân để nhường chỗ cho những cán bộ tốt. Ngay cả với cán bộ tốt, sau khi tuyển chọn họ, Nhà nước cũng cần thường xuyên kiểm tra, giáo dục, giám sát, nhắc nhở họ.

Nói về công tác tuyển chọn cán bộ, công chức, mới đây dư luận xôn xao trước vụ gian lận trong thi tuyển công chức ở Cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương. Về việc này ông có bình luận gì không?

Việc thi tuyển theo tôi là tốt, cần được tổ chức công khai, minh bạch, công bằng. Xưa nay nhiều cơ quan vẫn giữ chế độ xét tuyển, nhưng như thế không hiệu quả bằng thi tuyển. Mặc dù thi tuyển vẫn còn nhiều vấn đề hạn chế như lộ đề, mớm đề, ăn tiền…, nhưng chúng ta không vì thế mà bỏ thi tuyển.

Với vụ việc cụ thể ở Bộ Công thương, phải chờ kết luận chính thức từ Bộ và các cơ quan kiểm tra, xác minh khác. Trước tiên, lãnh đạo Bộ phải tự thẩm tra, xác minh lại vụ việc này và Bộ trưởng Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm về kết luận chính thức từ Bộ.

Sau đó, các cơ quan chức năng như Thanh tra chính phủ, cơ quan cảnh sát điều tra, ủy ban kiểm tra các cấp, thậm chí cả Ủy ban kiểm tra trung ương sẽ vào cuộc để làm rõ.

Xin cảm ơn ông!

____________________________

Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng thưởng 5 tỷ cho người tố cáo tham nhũng là giải pháp tốt, cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng.

Mời độc giả đón đọc bài tiếp theo Ngoài tiền, người tố cáo tham nhũng cần được bảo vệ vào 19h00 ngày 21/9.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Quân (thực hiện) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN